Trang trí bàn thờ gia tiên ngày tết đơn giản, đầy đủ tại nhà
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của một năm, vì vậy ai nấy đều rất muốn học hỏi những bí kíp để trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết cho sung túc, đúng đạo và phong thuỷ. Điều quan trọng nhất khi thờ cúng đó chính là “tâm” của gia chủ đặt trong đó. Bên cạnh đó là những kiến thức sắp xếp, bài trí sao cho đẹp mắt khi nhìn vào. Trong nội dung bài viết dưới đây, Mộc Nam Dương sẽ hướng dẫn bạn cách tô điểm cho bàn thờ gia tiên ngày Tết chuẩn nhất!
Ý nghĩa bàn thờ gia tiên ngày Tết
Ngày Tết là ngày sum vầy của cả gia đình, nếu trên trần thế mọi người đều muốn trở về nhà sau cả năm lo toan tất bật thì các vị gia tiên ở trên trời cũng sẽ về thăm nhà, thăm con cháu vào dịp đoàn viên này!
Ý nghĩa của bàn thờ gia tiên ngày Tết cũng là lúc để chúng ta bày tỏ tình cảm con cháu đối với ông bà tổ tiên, bên cạnh đó cũng thay cho lời cảm ơn, tôn kính kèm theo lời chúc một năm mới bình an và may mắn. Đây cũng là nơi mỗi gia đình dâng hương cúng lễ, thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt uống nước nhớ nguồn.
Chính bởi vậy mà trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết đẹp luôn được mọi người quan tâm hơn bao giờ hết. Vậy phải sắp xếp và bày biện đồ vật trên bàn thờ như thế nào?
Nguyên tắc bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết
– Một số đồ vật cố định ở bàn thờ gia tiên phải có như: câu đối, hoành phi, di ảnh, bát hương, ngai chén, mâm bồng, lọ hoa, đèn…
– Về phần bài trí, sao cho vừa mắt và hợp lý là được. Nếu có đỉnh đồng nên đặt ở trung tâm, phía sau bát hương để khi thắp hương không bị vướng víu. Bát hương nên kê cao tối thiểu phải từ ngực trở lên, tránh việc để bát hương thấp dưới bụng thì có vẻ bất kính. Lọ hoa, hạc đồng, chân nến…để ở hai bên. Phía trước bát hương (hoặc hai bên) có thể để mâm hoa quả, có ấm nước và 3 hoặc 5 chiếc chén nhỏ.
– Mâm ngũ quả bài trí = 3,5,7 loại quả khác nhau với nhiều màu sắc cho đẹp và trang nghiêm. Cắm thêm đào, mai, đèn nháy giúp bàn thờ thêm lung linh và huyền diệu.
Cách bài trí trên bàn thờ gia tiên ngày Tết
Các đồ trang trí trên bàn thờ
+ Nên đặt 2 cây đèn dầu hoặc nến thơm hai bên bàn thờ. Bởi theo quan niệm, hai cây đèn này một cái biểu tượng cho mặt trăng và cái còn lại tượng trưng cho mặt trời.
+ Bày 2 lọ hoa trên bàn thờ một cái đựng hương, cái còn lại đựng vàng, bạc. Hoa tươi trang trí chọn loại hoa nhơn, cúc, hoa hồng, không nên dùng hoa giả để thắp hương.
+ Nên để 2 cây đèn ra phía ngoài và đặt lọ hoa vào bên trong nhằm tăng thêm sinh khí cho bàn thờ gia tiên. Trong quá trình thắp đèn, đèn thường mang tới nguồn năng lượng ấm có khả năng xua đuổi tà khí.
Chuẩn bị Mâm ngũ quả bày trên ban thờ
Người phương Đông thường tin vào thuyết Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây cũng là 5 yếu tố tạo nên vạn vật theo thuyết duy vật cổ đại. Vậy nên chọn 5 loại quả để tượng trưng cho sự đầy đủ và thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh. Nhưng cơ bản việc trang trí và bày mâm ngũ quả ngày Tết tuỳ thuộc vào từng vùng miền, bạn có thể tham khảo dưới đây:
Mâm ngũ quả miền Bắc
– Chuối xanh: màu xanh của trái chuối tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.
– Lê: có vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
– Lựu: lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn.
– Phật thủ: có hình dạng đặc biệt như những bàn tay của Phật, che chở bảo vệ cho gia đình.
– Táo: táo tây, táo ta, táo tàu: tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang.
– Bưởi: bưởi căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
– Cam, quất: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
– Lêkima (trứng gà): ý là lộc trời cho.
Mâm ngũ quả miền Trung
– Nải chuối: mang ý che chở, bảo bọc
– Quả trứng gà có hình trái đào tiên – lộc trời
– Dừa: có nghĩa là không thiếu
– Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc
– Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng
– Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống
– Phật thủ: giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người
– Táo: mang ý nghĩa là phú quý
– Hồng, quýt: tượng trưng cho sự thành đạt
– Thanh long: ý rồng mây gặp hội
– Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn
– Xoài: cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Mâm ngũ quả miền Nam
– Dưa hấu: căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
– Sung: thể hiện mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
– Đu đủ: biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.
– Xoài: cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Làm mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết
Mâm cơm cúng gia tiên sẽ được chuẩn bị vào đêm ngày 30, mùng 1 Tết với những món ăn và cách bài trí đặc trưng cho từng vùng miền khác nhau.
– Mâm cơm thờ ở miền Bắc, bốn bát và bốn đĩa được sắp xếp theo hình thức tứ trụ đại diện cho bốn phương cũng như bốn mùa trong năm. Các món ăn thường có như dưa hành, giò lụa, thịt gà, canh xương, nước chấm, bánh chưng,…
– Mâm cơm của người miền Nam: thịt kho hột vịt đại diện cho hành Thủy, dưa góp và củ kiệu thì ứng với hành mộc, hành thổ được thể hiện qua món bánh chưng, mướp đắng nhồi thịt đại diện cho hành hỏa, và cuối cùng ớt tươi tượng trưng cho hành kim.
Lưu ý quan trọng khi trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết
- Không đặt bàn thờ gần nơi không trang trọng như nhà tắm, cầu thang, phòng bếp,…
- Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.
- Không dùng chung bát hương thờ Phật và thờ gia tiên
- Bóng đèn phía trước không nên xung với ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. Ban thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà.
- Không đặt bàn thờ nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: hướng Đông Bắc, hướng Tây Nam. (Không đặt bàn thờ hướng Đông Bắc nhìn Tây Nam hoặc ngược lại).
- Không đặt bàn thờ ở hướng Đông, Đông Nam nhìn hướng Tây.
- Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.
- Bàn thờ tổ tiên không nên đặt ở trung tâm nhà, vì sợ hung. Thay vào đó, bàn thờ Phật có thể đặt ở trung tâm nhà.
- Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong 1 gian phòng.
- Không nên treo ảnh, bài vị người quá cố cao hơn bàn thờ
- Trong ngày Tết thì bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thường xuyên thắp nhang, đèn trên bàn thờ luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương.
Với những hướng dẫn ở trên, chúng tôi tin rằng bạn sẽ bài trí được bàn thờ gia tiên ngày Tết đẹp nhất, tài lộc và may mắn.
>> Đọc thêm: Hướng dẫn chi tiết cách bài trí bàn thờ Phật ngày Tết cho các Phật tử
Đọc thêm các bài viết phong thủy tại Mộc Nam Dương: https://mocnamduong.com/phong-thuy/