Trang trí bàn thờ tết đơn giản, ý nghĩa & những điều kiêng kỵ cần tránh
Trang trí bàn thờ Tết là một trong những việc làm rất quan trọng dịp tết Nguyên Đán. Điều này thể hiện sự thành kính của gia chủ dành cho các bậc Thần Phật cũng như tổ tiên. Việc trang trí này nên tuân theo phong tục truyền thống của người Việt là tốt nhất và dưới đây là những chỉ dẫn của các chuyên gia phong thuỷ dành cho bạn để có bàn thờ tết vừa đẹp, tiết kiệm lại ý nghĩa trong mùa dịch này!
Nguyên tắc trang trí bàn thờ Tết đẹp bạn cần biết
Bạn cũng không nên quá nặng nề trong việc phải chuẩn bị đầy đủ hương hoa quả trong mâm ngũ quả, quan trọng nhất là sự thành tâm của gia chủ đối với người trên. Nhưng cũng vẫn phải đảm bảo đâu ra đấy những thứ cần thiết không thể thiếu.
Thông thường đồ trang trí trên bàn thờ sẽ chia làm 2 loại chính là đồ dùng thờ lâu dài và đồ dùng để cúng. Đồ lâu dài như: bát hương, cốc chén, đèn, lọ hoa, mâm bồng… Cách sắp xếp các vật dụng này trên bàn thờ như sau:
- Bát hương gia tiên được đặt ở vị trí chính giữa bàn thờ và không được phép xê dịch bất kể năm tháng.
- Đèn dầu hay đèn điện đặt trên bàn thờ cần được để đều sang hai phía, bất di bất dịch. Đặc biệt cần thường xuyên lau chùi cho đèn mỗi khi thắp sáng.
- Chén, bát dùng để cúng cần phải là loại mới, chỉ dùng riêng cho việc thắp hương. Không dùng chung với những chén bát ăn uống hàng ngày.
- Mâm ngũ quả trang trí bàn thờ ngày Tết cần lựa chọn 5 loại khác nhau. Điều này tượng trưng cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ vô cùng quan trọng trong phong thủy.
- Nếu nhà bạn có cặp lục bình để trang trí cạnh bàn thờ, cần thường xuyên lau dọn và đặt tại vị trí cố định, đều hai phía đối với bàn thờ.
- Tương tự, lọ hoa đặt trên bàn thờ cũng cần phải được bài trí cân đối, tạo sự hài hòa cho tổng thể bàn thờ.
Hướng dẫn cách lau dọn bàn thờ Tết trước khi bài trí
Theo tục lệ thì việc lau dọn bàn thờ sau ngày 23/12 cho tới trước ngày 30/12 (Giao Thừa) vì lúc này các Táo Quân ngụ tại ngôi nhà của gia chủ sẽ lên Thiên Đình để báo cáo những việc xảy ra trong năm vừa qua với Ngọc Hoàng, vì vậy mà việc lau dọn bàn thờ vào lúc này sẽ không gây mạo hiểm đến các quan thần linh, khi các quan trở lại thì bàn thờ sẽ được lau dọn sạch sẽ.
Các bước lau dọn bàn thờ bạn nên biết như sau:
- Trước khi lau dọn nên thắp hương xin phép thần linh, tổ tiên về việc bạn muốn lau dọn bàn thờ.
- Sau khi hết hương bắt đầu hạ bài vị xuống để các bài vị gia tiên và quan thần linh riêng biệt nhau, sau đó tiến hành lau dọn như bình thường.
- Dùng khăn sạch và nước sạch để lau sạch sẽ bài vị quan thần linh trước, rồi mới đến bài vị gia tiên, sau đó đặt ở nơi khô ráo.
- Dọn dẹp bát hương bằng cách sử dụng thìa nhỏ múc tro cát ra ngoài sau đó mang bát nhang đi rửa rồi để khô tự nhiên, mang tro cát để vào bát hương như ban đầu.
- Sau khi đã lau rửa sạch sẽ mọi thứ, bạn hãy đem bài vị quan thần linh và gia tiên đặt lại vào vị trí cũ trên bàn thờ. Nhiều nơi sẽ có tục lệ đốt tiền vàng để khai quang trước khi đặt lại bài vị và bát hương vào vị trí cũ.
Cách sắp xếp trang trí bàn thờ Tết chuẩn phong thuỷ
Sau khi lau dọn bàn thờ gia tiên xong thì các đồ vật trên bàn thờ sẽ được sắp xếp như sau:
– Bát hương gia tiên sẽ đặt ở chính giữa, đặt thêm 2 bát hương nữa ở bên cạnh để tạo thế tam tài. Trên bát hương chính giữa đặt thêm cây trụ dùng để đặt hương vòng, chúng tượng trưng cho các vị tinh tú và vũ trụ.
– Đèn dầu được đặt đều về hai phía trên bàn thờ tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng.
– Phía đằng trước các bát hương, người ta hay sắp xếp đĩa lớn đựng hoa quả và các chén rượu cúng. Ngoài ra có thể có chén bát hoặc bình rượu ngon.
– Lọ hoa đặt trên bàn thờ tuân theo như vị trí đặt đèn dầu, để tạo sự hài hòa cho tổng thể bố cục trên bàn thờ.
Về cách bày biện lễ cúng trên bàn thờ bạn sẽ thực hiện như sau:
Các lễ cúng được dâng lên bàn thờ thông thường sẽ gồm có: Tiền vàng, bình trà hoặc bình rượu, bánh mứt, trầu cau và hoa quả. Gia chủ cần bố trí các lễ vật sao cho hài hoà, cân đối và không làm ảnh hưởng tới các đồ thờ khác đã có sẵn trên bàn thờ là được.
>> Bàn thờ ngày tết gồm những gì? Những điều kiêng kỵ cần biết để tránh MẤT LỘC
Cách trang trí bàn thờ Tết với mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là đồ cúng không thể thiếu cho trang trí bàn thờ tết. Mâm ngũ quả là tượng trưng cho ngũ hành trong phong thuỷ, sự sinh sôi, nảy nở và phát triển giúp gia chủ gặp nhiều thuận lợi và may mắn, thịnh vượng cho năm mới. Tùy từng vùng miền mà cách lựa chọn mâm ngũ quả sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu sẽ bao gồm các loại quả sau:
– Quả Phật thủ: Tượng trưng cho bàn tay của Phật che chở và bảo vệ.
– Quả Bưởi: Tượng trưng cho sự đầy đủ, vẹn toàn, tràn đầy sức sống.
– Quả Cam, Quýt: Tượng trưng cho sự may mắn, cát tường.
– Quả Mãng Cầu (Na): Tượng trưng cho sự cầu xin (cách điệu chữ Cầu)
– Quả Sung: Tượng trưng cho sự sung túc (cách điệu chữ Sung)
– Quả Dừa: Tượng trưng cho sự đầy đủ (cách điệu chữ Vừa)
– Quả Đu Đủ: Tượng trưng cho sự no đủ (cách điệu chữ Đủ)
– Quả Xoài: Tượng trưng cho việc tiêu xài không hết (cách điệu chữ Xài)
Trang trí bàn thờ ngày Tết còn cần có thêm quần áo, tiền vàng âm phủ, hoa quả tươi và rượu ngon. Ngoài ra, bánh ngọt, mứt, bánh chưng (bánh tét) để tạo nên không khí ngày tết. Hoa dâng lễ bao gồm hoa cúc, hoa lay ơn, hoa hồng, hoa huệ, hoa đào, hoa mai…
Trang trí bàn thờ Tết cần tránh những điều kiêng kỵ sau
– Chủ gia đình nên thực hiện việc lau dọn bàn thờ tổ tiên
Việc lau dọn bàn thờ tổ tiên vào dịp lễ Tết thì nên để người chủ gia đình thực hiện. Bởi người này sẽ đại diện cho cả gia đình, chăm lo hương hỏa cho tổ tiên và các quan thần linh.
– Khi trang trí bàn thờ tết thì kiêng kỵ việc xê dịch bát hương sau khi lau dọn xong
Cần phải đặt bát hương đúng như vị trí ban đầu khi đặt trên bàn thờ trước đó, bởi nếu bát hương bị xê dịch so với vị trí ban đầu thì có thể gây ra vận hạn, điềm xui xẻo cho cả gia đình. Vì vậy bạn phải tránh xê dịch bát hương sau khi lau dọn bàn thờ.
– Không nên chọn vật liệu bát hương khác ngoài chất liệu sứ
Bát hương gia tiên phải được làm bằng sứ vì sứ có khả năng chịu nhiệt tốt và bền đẹp theo thời gian. Ngoài ra, nhiều người cũng có thể chọn những loại bát hương bằng đồng để thêm phần tôn kính, trang trọng cho không gian thờ phụng.
– Chỉ sử dụng hoa tươi để trang trí bàn thờ Tết
Khi trang trí bàn thờ vào ngày tết thì tuyệt đối không nên dùng hoa khô, hoa giả mà bắt buộc sử dụng hoa còn tươi. Hoa tươi sẽ giúp tỏa hương thơm và khoe sắc giúp gia chủ gặp nhiều may mắn hơn và thu được tài lộc trong năm mới.
– Vị trí nên đặt bàn thờ trong ngày Tết
Lưu ý việc tránh đặt bàn thờ ngày Tết ở hướng đối diện với cửa sổ hoặc cửa ra vào vì có thể khiến tài lộc trong nhà bị cuốn đi, không tốt cho gia chủ. Bàn thờ thì nên được lựa chọn đặt tại vị trí tầng cao nhất của ngôi nhà để thể hiện sự tôn kính và cũng là nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Hướng đặt bàn thờ nên ở khoảng giữa trong căn phòng, không hướng ra ngoài cửa ra vào, cửa sổ, không đặt đối diện với phòng ngủ, phòng bếp hoặc nhà vệ sinh.
– Không được để bàn thờ tổ tiên bị bụi bẩn, phải thường xuyên lau dọn
Vào những dịp lễ tết thì bắt buộc phải lau dọn bàn thờ gia tiên, bạn cũng nên thường xuyên lau dọn vào thời điểm rằm hoặc mùng 1 đầu tháng âm lịch, sẽ giúp chứng tỏ thành tâm của bạn với tổ tiên và các vị thần linh, giúp tích phúc đức, may mắn cho con cháu.
Như vậy, Mộc Nam Dương đã giới thiệu tới bạn đọc các cách trang trí bàn thờ tết vừa tiết kiệm vừa phong thuỷ trong mùa dịch cho dịp Nguyên Đán 2023 sắp tới. Hi vọng sẽ giúp quý vị có được những thông tin bổ ích cho mình!
>> 25+ mẫu bàn thờ gỗ óc chó đẹp nhất – Tân trang bàn thờ mới phong thuỷ dồi dào đón tài lộc cả năm